HỘI THẢO CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM “CHIA SẺ VÀ GẮN KẾT”
NĂM HỌC 2024 – 2025
Công tác giáo viên chủ nhiệm có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Thực hiện tốt công tác chủ nhiệm sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giáo dục của nhà trường. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác chủ nhiệm lớp, để tạo điều kiện cho giáo viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm, từ đó góp phần nâng cao năng lực của giáo viên, sáng ngày 23 tháng 9 năm 2024, trường THPT Nguyễn Trãi – Thường Tín đã tổ chức Hội thảo công tác chủ nhiệm lần thứ nhất với chủ đề “Chia sẻ và gắn kết”.
Về dự Hội thảo có cô giáo Trần Thị Hà – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng, cùng các thầy, cô giáo trong Ban giám hiệu, BCH Công đoàn, BCH Đoàn thanh niên, các tổ trưởng tổ chuyên môn và 36 giáo viên chủ nhiệm lớp của nhà trường.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, cô giáo Đinh Ngọc Anh – Phó hiệu trưởng nhà trường đã nhấn mạnh: Giáo viên chủ nhiệm là người luôn gần gũi, quan tâm, thấu hiểu, động viên học sinh; là cầu nối giữa học sinh, cha mẹ học sinh và nhà trường,... Để làm tốt công tác chủ nhiệm, giáo viên cần có tâm, có lòng nhiệt tình và không ngừng học hỏi, trau dồi năng lực sư phạm. Thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cùng với đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, công tác giáo viên chủ nhiệm cũng cần có sự thay đổi cho phù hợp. Vì vậy, việc chia sẻ những việc làm tốt, những kinh nghiệm hay trong công tác giáo viên chủ nhiệm lớp là vô cùng cần thiết, từ đó giúp giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện và nâng cao khả năng, nghiệp vụ để đạt hiệu quả cao trong công tác góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
Hội thảo đã được nghe ba tham luận của ba khối lớp về các nội dung liên quan đến công tác chủ nhiệm của nhà trường. Cô giáo Nguyễn Phương Mai – Khối trưởng chủ nhiệm, đại diện cho giáo viên chủ nhiệm khối 10 đã trình bày tham luận Các biện pháp quản lí học sinh lớp 10. Tham luận đã nêu ra 6 giải pháp cơ bản để quản lí, giáo dục học sinh lớp 10 khi các em bước vào một môi trường học tập mới, cấp học mới. Đó là: Tìm hiểu, nắm bắt thông tin học sinh; Xây dựng đội ngũ cán bộ lớp; Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh thông qua các tiết hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh; Thống nhất quy định về hình thức kỉ luật với học sinh vi phạm nội quy, nền nếp; Phối hợp với giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên và các bộ phận khác trong nhà trường trong công tác quản lý giáo dục học sinh. Với các giải pháp trên, ngay từ đầu năm học, học sinh khối 10 của nhà trường đã vào nền nếp thực hiện tốt nội quy và có ý thức tự giác học tập.
Trong hoạt động giáo dục học sinh, bên cạnh việc giáo dục nền nếp, thực hiện nhiệm vụ học tập thì việc tổ chức các hoạt động phong trào có ý nghĩa to lớn đối với việc phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ cho học sinh. Bản tham luận của cô giáo Phạm Thị Hạ - đại diện giáo viên chủ nhiệm khối 11 đã trình bày nội dung Tăng cường giáo dục học sinh thông qua các hoạt động phong trào. Tham luận được xây dựng dựa trên tình hình thực tế của nhà trường và khối 11. Trong năm học vừa qua, nhiều hoạt động phong trào đã được tổ chức hiệu quả như Giải bóng đá nam cúp Sao Khuê; Hội thi nhảy dân vũ; Hội chợ Xuân Giáp Thìn 2024; Rung chuông vàng; Tổ chức các ngày 20/10, 20/11, 8/3....Các hoạt động phong trào đã góp phần phát triển kĩ năng mềm cho học sinh, tăng cường tinh thần đoàn kết và hợp tác, khuyến khích sự sáng tạo...Để các hoạt động phong trào hiệu quả hơn nữa, giáo viên chủ nhiệm khối 11 cũng đề xuất một số giải pháp như: Lập kế hoạch hoạt động phong trào cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho học sinh; Tổ chức đa dạng các hoạt động phong trào chú trọng phát huy thế mạnh của học sinh để từ đó khuyến khích học sinh đăng kí thi đua theo thế mạnh của bản thân; Tổ chức giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao giữa các lớp và giao lưu với thầy, cô giáo bộ môn; Tăng cường các hoạt động phong trào tình nguyện, công tác xã hội; Đoàn thanh niên tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ hiệu quả theo chủ đề...
Xuất phát từ thực trạng một số học sinh chưa tự giác học tập, đi học chưa chuyên cần, cô giáo Bùi Thị Hương Giang – đại diện giáo viên chủ nhiệm khối 12 đã tham luận với Hội thảo nội dung Giáo viên chủ nhiệm trong công tác duy trì sĩ số và nâng cao điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp chủ nhiệm. Những giải pháp thiết thực của giáo viên chủ nhiệm khối 12 như: Nâng cao chất lượng dạy học tăng cường; Xây dựng nội quy lớp học, môn học; Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh; Tư vấn hướng nghiệp; Thành lập nhóm học tập, đôi bạn cùng tiến; Động viên khen thưởng kịp thời các tiến bộ của học sinh...đã góp phần quan trọng rèn luyện nền nếp, ý thức đi học chuyên cần, nâng cao chất lượng học tập của học sinh trong năm học cuối cấp.
Một trong những giải pháp để giáo dục học sinh hiệu quả đó là giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh. Về nội dung này, cô giáo Nguyễn Thị Dung - giáo viên chủ nhiệm lớp 12H3, một giáo viên dày dặn kinh nghiệm, tâm huyết đã chia sẻ tham luận Giải pháp phối hợp với cha mẹ học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh lớp chủ nhiệm. Bản tham luận đã nêu ra những tình huống sư phạm trong lớp chủ nhiệm và phương pháp thực hiện phối hợp cùng cha mẹ học sinh trong những năm học vừa qua. Đặc biệt chú trọng tới một số biện pháp đổi mới buổi họp phụ huynh học sinh như: Thấu hiểu để yêu thương; Họp Phụ huynh theo chủ đề; Trao quyền buổi họp cho học sinh,...
Hội thảo công tác chủ nhiệm lần thứ nhất của trường THPT Nguyễn Trãi - Thường Tín năm học 2024 - 2025 đã diễn ra sôi nổi, cởi mở và thành công tốt đẹp. Với những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình giảng dạy, chủ nhiệm lớp và được lắng nghe chia sẻ tại buổi Hội thảo lần này, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm - cánh tay nối dài của lãnh đạo nhà trường trong công tác quản lý, sẽ tiếp tục làm tốt trọng trách mà Ban giám hiệu nhà trường tin tưởng, giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học.
Người đưa tin: Phạm Hạ